Chuyện về các sĩ quan phiên dịch Trại Davis

Vào những năm 1970, số người biết tiếng Anh ở miền Bắc rất ít, số người làm “thông ngôn” tiếng Anh lại càng ít hơn. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 đòi hỏi phải có ngay một số lượng lớn phiên dịch tiếng Anh để hỗ trợ việc triển khai thi hành Hiệp định. Và đội quân phiên dịch ngày ấy đã được triệu tập khẩn cấp từ một loạt cơ quan khác nhau.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (phải) gặp bạn bè quốc tế
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (phải) gặp bạn bè quốc tế

Đội quân phiên dịch “Liên hợp quốc” này được phân công phục vụ hai Đoàn đại biểu quân sự ta đóng tại Trại Davis và các Ban Liên hợp quân sự ở 7 khu vực, suốt từ Huế ở miền Trung đến tận Cần Thơ ở đồng bằng sông Cửu Long. Quả là một địa bàn hết sức phức tạp và trải khắp miền Nam.

Phiên dịch Ban Liên hợp quân sự: Anh là ai?

Cùng với các cán bộ và chiến sĩ tham gia đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, anh em phiên dịch tập trung ở nhiều địa điểm khác nhau xung quanh Hà Nội, lên đường vào nhiều thời điểm khác nhau và di chuyển bằng nhiều phương tiện. Một số đi từ Paris bằng hàng không quốc tế về Tân Sơn Nhất, một số đi từ Gia Lâm bằng máy bay vận tải Mỹ vào Sài Gòn, một số đi từ căn cứ Lộc Ninh bằng máy bay trực thăng Mỹ, và một số khác vượt Trường Sơn bằng ôtô và đi bộ vào các Tổ Liên hợp quân sự khu vực. Cuộc hành quân vừa thần tốc, vừa ly kỳ, vừa gian khổ nhưng cũng đầy lãng mạn!

Hành trang của anh em phiên dịch chủ yếu là vốn tiếng Anh, cùng vài lần được đọc văn bản và được nghe giải thích về nội dung Hiệp định Paris. Chỉ một số anh em có nghiệp vụ và kinh nghiệm phiên dịch. Mặc dù vậy, tất cả chúng tôi đều có tinh thần của người chiến sĩ và ý thức trách nhiệm của người công dân yêu nước. Ai cũng háo hức lên đường, ai cũng nóng lòng được tham gia vào cuộc đấu tranh trực diện với Mỹ – ngụy để buộc họ thi hành Hiệp định.

Điều may mắn là anh em phiên dịch được đi công tác thường xuyên, được đặt chân đến nhiều địa phương và được tiếp xúc với nhiều đối tượng bên ta cũng như bên địch. Rồi trong anh em chúng tôi, người biết ít sẵn sàng học hỏi người biết nhiều, người đi trước hết lòng dìu dắt người đi sau. Nhờ vai trò có phần đặc thù của công việc phiên dịch và thái độ thực sự cầu thị đó mà chúng tôi nhanh chóng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ngày càng nhạy bén về chính trị, mài sắc kỹ năng xử lý tình huống và từng bước trở thành những phiên dịch có trình độ và bản lĩnh.

Tấm lòng của những người chỉ huy

Các sĩ quan phiên dịch chúng tôi được thường xuyên làm việc trực tiếp với các vị chỉ huy đơn vị, do đó có nhiều kỷ niệm khó quên về tình cảm sâu đậm của các đồng chí đối với người lính. Chúng tôi xin chia sẻ một vài mẩu chuyện mà chúng tôi đã được trải nghiệm về tấm lòng của những người chỉ huy trong trại Davis.

Chuyện thứ nhất

Lãnh đạo đơn vị luôn dành cho anh em phiên dịch chúng tôi sự quan tâm đặc biệt. Một lần, tôi đi dịch cho Thiếu tướng, Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn dự tiệc Quốc khánh Ba Lan, được tổ chức trong thành phố Sài Gòn. Thấy Thiếu tướng nói chuyện bằng tiếng Pháp nên tôi đến trò chuyện với mấy đồng chí Hungary làm việc cho Ủy ban Quốc tế. Ít phút sau, tôi trở lại chỗ Thiếu tướng, thì thấy ông đang phân bua với viên sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ rằng, ông biết rất ít tiếng Anh. Tôi lập tức xin lỗi Thiếu tướng và giúp ông tiếp tục cuộc trò chuyện với viên sĩ quan Hoa Kỳ. Sau cuộc trao đổi, Thiếu tướng nhẹ nhàng vỗ vai tôi và nói với một nụ cười độ lượng: “Lần sau đừng bỏ tớ một mình nữa nhé”.

Chuyện thứ hai

Những ngày ấy, anh em phiên dịch chúng tôi đâu có biết đánh máy chữ. Chúng tôi hay dùng phương pháp “mổ cò” trên chiếc máy cơ khí Optima khá cũ, nên tốc độ đánh máy chậm như rùa bò. Vì thế, chúng tôi thường phải thức đến khuya mới đánh xong tài liệu dịch. Thấy vậy, lãnh đạo đơn vị thường đến thăm và động viên. Một đêm, Đại tá, Phó Trưởng đoàn Võ Đông Giang đến động viên chúng tôi. Ông trò chuyện thân tình và trao đổi về nội dung bức công hàm mà chúng tôi đang dịch. Với sự nhạy cảm của một người nói tiếng Pháp thành thạo, ông thẳng thắn hỏi tại sao không dùng từ này mà lại dùng từ khác. Thế là một “cuộc hội thảo đầu bờ” diễn ra sôi nổi, để cuối cùng tất cả chúng tôi đi đến nhất trí chọn thuật ngữ “đắt” nhất cho bản công hàm.

Chuyện thứ ba

Một lần khác, chúng tôi dịch sang tiếng Anh dự thảo biên bản về đợt trao trả nhân viên dân sự vừa được tổ chức trong ngày hôm đó. Chúng tôi thấy văn bản tiếng Việt có câu “ông giáo sư xin về sinh sống ở vùng do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát”. Cảm thấy câu văn này không ổn lắm, chúng tôi liền báo cáo Đại tá Võ Đông Giang và đề nghị thêm cụm từ “với gia đình” sau cụm từ “về sinh sống”. Đại tá khen đề xuất rất hay và nhất trí ngay.

Chuyện thứ tư

Tổ phiên dịch chúng tôi cũng hay được các đồng chí chỉ huy đơn vị ưu ái, nhất là hai Phó Trưởng đoàn, Đại tá Bùi Thanh Khiết và Đại tá Nguyễn Văn Sỹ. Hai ông đều là người miền Nam, đã nhiều năm lăn lộn với các chiến sĩ trên khắp các chiến trường Nam Bộ. Hầu hết các chuyến đi công tác ra vùng giải phóng, các ông đều mang quà về cho tổ phiên dịch chúng tôi. Lúc thì túi chôm chôm hay quả sầu riêng từ vùng căn cứ Lộc Ninh; lúc thì quả dừa nước hay vài quả trứng vịt từ vùng sông nước Cửu Long. Tình yêu thương của cấp chỉ huy trong điều kiện vô cùng gian khó của Trại Davis làm chúng tôi luôn ấm lòng, gắn bó với đơn vị và say sưa với công việc của mình. Thật đáng quý biết bao.

Chuyện thứ năm

Chiều tối ngày 29/3/1975, Đại tá Võ Đông Giang tản bộ đến căn nhà ở của tổ phiên dịch. Nét mặt ông rạng rỡ, tay ông xách hai chai rượu Lúa mới và một bịch nhỏ. Hỏi ông lý do thì ông cười khoan khoái: “Có lý do chính đáng đấy. Hôm nay Đà Nẵng quê tớ vừa được giải phóng. Tớ sẽ đãi các cậu một bữa ra trò”. Vừa nói ông vừa đặt hai chai rượu xuống bàn và mở cái bịch ra, trong đó có mấy túi lạc rang và gần chục gói mỳ ba con tôm. Quá sang trọng, bởi những món này bọn lính chúng tôi đâu tìm được giữa hàng rào kẽm gai dày đặc của Trại Davis. Thế là mấy thầy trò rót rượu, nâng cốc chúc mừng Ngày giải phóng Đà Nẵng và trò chuyện rôm rả đến tận đêm khuya. Đấy là một kỷ niệm không bao giờ quên của đời lính trong Trại Davis.

(Trích từ cuốn sách Trại Đa-vít – 823 ngày đêm, Tập 3)

Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự 4 bên trung ương trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp quân sự 2 bên trung ương, đồng thời cũng là nơi đóng quân của hai Đoàn đại biểu quân sự ta từ ngày 28/1/1973 – 30/4/1975. Nơi đây, nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, được đặt theo tên James Thomas Davis, một người lính thuộc Tổ viễn thám số 3, Lục quân Mỹ, bị tử trận ngày 22/12/1961. Được coi là trung tâm đấu tranh chính trị – ngoại giao – quân sự – dư luận, nơi đây còn được ví như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch.

5/5 – (10 bình chọn)
 
Thùy Linh
Thùy Linh - 0964.333.933
Sẵn sàng tư vấn giúp bạn!