Những khó khăn thử thách của nghề phiên dịch

Nghề nào cũng có cái khó khăn riêng của nghề đó, phiên dịch được đánh giá là một nghề khó và đặc biệt phiên dịch cho các nguyên thủ thì còn khó bội phần. Đó là tâm sự của một số phiên dịch viên của các nhà lãnh đạo Liên Xô (cũ), Nga.

Không phải là… micro

Phiên dịch cho các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay không ai không là quan chức ngoại giao. Họ thường công tác tại Vụ Phiên dịch, Bộ Ngoại giao. Một số người chuyên dịch viết, một số chuyên dịch nói. Có khoảng 20 người chuyên dịch nói, riêng tiếng Anh có 6 người. Phần lớn phiên dịch viên đều được học hành chu đáo về ngôn ngữ, qua huấn luyện nghiêm khắc tại các lớp đào tạo phiên dịch viên của Liên hợp quốc.

 

Với tư cách là phiên dịch cho nguyên thủ quốc gia, không những họ có vốn ngôn ngữ sâu rộng mà còn có tri thức uyên bác. Trước mỗi lần hội đàm, phiên dịch viên phải vùi đầu chuẩn bị, sau khi gặp gỡ xong lại phải kịp thời chỉnh lý nội dung mà hai bên trao đổi. Bởi thế, việc làm thêm giờ đối với họ là chuyện bình thường.

 

Nói chung phiên dịch viên Mỹ thường đứng sau người lãnh đạo, nhưng phiên dịch viên của Tổng thống Nga có thể đứng ngang vai với người lãnh đạo, tức là ngay trong những cuộc gặp gỡ chính thức, họ có thể đứng ngang hàng với Tổng thống. Có thể thấy vai trò của người phiên dịch Nga không phải là tầm thường, không chỉ là cái “micro”.

 

Mỗi lần dịch, một lần thi quốc gia

Phiên dịch tiếng Anh cho Tổng thống Putin nói: “Mỗi lần gặp gỡ cấp cao đều là một lần thi quốc gia, lúc nào tôi cũng ở trong tình trạng căng thẳng cao, vì không thể có bất kỳ sai lầm nào, mỗi câu mỗi chữ đều nặng ngàn cân”.

Tổng thống Putin có một đặc điểm là thích dịch đuổi trong đàm phán quốc tế, tức là người dịch gần như phải đồng thời dịch ngay những điều ông vừa nói, khiến hai bên không phải chờ đợi, như thế có thể tiết kiệm thời gian, nhưng yêu cầu trình độ phiên dịch rất cao. Tuy vậy, dịch cho Putin không khó, vì ông hiểu đặc điểm của công tác phiên dịch, nên nói rất dứt khoát, tư duy rõ ràng, lôgic, biết dừng lại đúng lúc, hơn nữa rất tôn trọng phiên dịch viên.

 

“Phần hai không phải đọc sao?”

Sukhodrev, phiên dịch tiếng Anh cho ba nhà lãnh đạo Liên Xô là Khrushev, Brejnev, Gorbachev kể lại: Vào lúc cuối đời của Brejnev, tôi làm việc với ông ta rất khó, ông ta không như Khrusev thích nói “vo” mà chỉ đọc theo bản viết đã chuẩn bị sẵn từ trước. Trong cuộc hội đàm người đứng đầu Xô – Mỹ năm 1979 tại Vienna, đã xảy ra một chuyện chẳng hay ho gì. Chúng tôi đã chuẩn bị trước cho Brejnev một loạt đáp án, nếu Carter hỏi theo nghĩa rộng thì Brejnev đọc cả trang, nếu hỏi theo nghĩa hẹp thì chỉ đọc nửa trang. Khi Carter hỏi, tôi lấy tờ giấy đã chuẩn bị đưa cho Tổng Bí thư. Vì đối phương chỉ hỏi vấn đề nhỏ, nên tôi gấp nửa dưới tờ giấy lại rồi mới đưa cho ông. Không ngờ khi đọc đến chỗ giấy bị gấp, ông đột ngột quay lại hỏi lớn: “Thế nào, phần hai không phải đọc sao?” – câu nói làm tôi muốn chui xuống đất.

 

“Nhiệm vụ của anh là phiên dịch”

Trong bữa ăn, phiên dịch viên hầu như không thể ăn uống bình thường như những người khác. Đó là điều ai cũng biết.

Beskov, người từng dịch cho Stalin tại Hội nghị Postdam cho biết, suốt trong ngày hội đàm giữa Stalin với Roosevelt và Churchill, ông hầu như không ăn uống gì. Vào bữa tiệc, khi người ta tiếp cho ông một miếng bít tết, nhịn không nổi, ông đã nhét cả miếng vào miệng. Đúng lúc đó Churchill hỏi Stalin một vấn đề, nhưng đợi mãi không thấy phiên dịch viên lên tiếng. Khi mọi người phát hiện ra, ai nấy cười phá lên. Riêng Stalin thì đi tới bên ông, nghiêm khắc nói vào tai: Anh có thể tìm đến chỗ khác mà ăn, nhiệm vụ của anh là phiên dịch!

 

Dương Phương Anh

5/5 – (8 bình chọn)

Posted

in

by

 
Thùy Linh
Thùy Linh - 0964.333.933
Sẵn sàng tư vấn giúp bạn!