Phiên dịch viên của 2 nhà lãnh đạo Kim – Trump

Chỉ cần dịch sai một từ hay diễn đạt sai một lời nói đùa, các phiên dịch viên có thể khiến một nội dung thảo luận đi đến kết quả trái ngược.
Hai phiên dịch ngồi phía sau tại cuộc gặp giữa ông Kim và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 10.6 - Ảnh: Reuters
Hai phiên dịch ngồi phía sau tại cuộc gặp giữa ông Kim và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 10.6 – Ảnh: Reuters

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp riêng tại Singapore, còn có 2 người có vai trò quan trọng không kém sẽ được ở lại trong phòng là phiên dịch viên của 2 lãnh đạo.

Theo Đài ABC News, trong các cuộc gặp ngoại giao cấp cao, phiên dịch viên phải dịch nhanh và chính xác để thể hiện đầy đủ ý của lãnh đạo, nhưng không chỉ có thế. Họ còn có sức mạnh chính trị ghê gớm – chỉ cần dịch sai hay lệnh nghĩa 1 từ cũng có thể khiến kết quả cuộc đối thoại bị đảo ngược.

Không chỉ dịch sát ý, họ còn phải nhớ lại các chính sách hoặc những số liệu then chốt, cũng như ghi chú lại nội dung cuộc đối thoại.

Ông Harry Obst, người từng phiên dịch trong 7 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ từ Tổng thống Lyndon B. Johnson cho đến Tổng thống Bill Clinton, cho rằng phiên dịch viên quan trọng hơn rất nhiều so với mọi người nghĩ.

“Họ có thể tạo ra hay phá hỏng một cuộc thảo luận trọng đại”, ông nói.

Một phiên dịch viên đang ghi chép tại cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 5 - Ảnh: Reuters
Một phiên dịch viên đang ghi chép tại cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 5 – Ảnh: Reuters

 

Ông Obst từng nhiều lần là người Mỹ duy nhất bên cạnh tổng thống khi tiếp xúc với lãnh đạo nước ngoài nhằm thảo luận các chính sách tối quan trọng có thể thay đổi lịch sử.

Theo ông, phiên dịch viên tại cuộc đối thoại sẽ ghi lại cuộc đối thoại, được xem là bản ghi chính thức những gì 2 bên trao đổi. Nếu một bên không có phiên dịch viên, người phiên dịch bên kia có thể ghi lại nội dung mà lãnh đạo bên này không hề nói.

Theo ông Obst, “ám ảnh” lớn nhất đối với giới phiên dịch cho lãnh đạo là phải diễn giải tiếng lóng và thành ngữ cho đủ ý, nhất là người phiên dịch cho ông Trump và ông Kim càng cần hiểu rõ những từ ngữ 2 ông thường dùng.

Ông Dimitry Zarechnak, phiên dịch viên cho Tổng thống Ronald Reagan cho biết thêm rằng việc chuyển ý các lời nói vui của các lãnh đạo cũng luôn khiến giới phiên dịch phải đau đầu. Bên cạnh đó là những tên lóng để ám chỉ một nhân vật nào đó.

Riêng về việc “nhắc tuồng”, ông Obst kể rằng ông từng phiên dịch cho Tổng thống Johnson trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Đức Kurt Georg Kiesinger vào năm 1967. Khi ông Kiesinger nghỉ giải lao để đi vệ sinh, ông Johnson quay sang hỏi người phiên dịch về một chính sách quân sự: “Ngài phiên dịch viên, tôi sẽ trả lời vấn đề đó như thế nào?”.

Khi cuộc trao đổi tiếp tục, ông Kiesinger vô cùng ngạc nhiên và nói rằng đến lúc đó ông mới nhận ra Tổng thống Johnson còn là một chuyên gia quân sự vô cùng thành thạo.

“Tổng thống Johnson mỉm cười. Và bên dưới bàn, ông ấy nắm chặt đùi tôi bằng bàn tay to của một người gốc Texas “, ông Obst kể.

Khánh An

5/5 – (4 bình chọn)
 
Thùy Linh
Thùy Linh - 0964.333.933
Sẵn sàng tư vấn giúp bạn!